29-12-2023
Hãng vận tải biển CMA CGM vừa cho biết sẽ tính thêm phụ phí từ 325 USD - 600 USD/container 20ft trên các tuyến từ Bắc Âu đi châu Á và từ châu Á đi khu vực Địa Trung Hải. Đồng thời, CMA CGM cho biết thời gian vận chuyển hàng hóa giữa châu Á - châu Âu dự kiến sẽ tăng lên đáng kể trong bối cảnh hãng này phải tạm ngừng đi qua kênh đào Suez tại Biển Đỏ mà phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi.
Trước CMA CGM, loạt hãng vận tải lớn như Maersk, Hapag-Lloyd và CH Robinson Worldwide đã thông báo sẽ thu thêm phụ phí do phải thay đổi hải trình các tuyến châu Á - châu Âu, tránh đi qua kênh đào Suez và khu vực Biển Đỏ do lực lượng Houthi tại Yemen tăng cường tấn công các tàu chở hàng phương Tây trong khu vực nhằm đáp trả việc Israel tấn công Dải Gaza.
Lực lượng Houthi đã bắt giữ tàu hàng Galaxy Leader với trọng tải hơn 17.000 DWT do hãng Nippon Yusen (Nhật Bản) vận hành vào ngày 19/11. (Ảnh: CNN)
Theo CNBC, các công ty logistics được báo giá cước vận tải biển cho mỗi container 40ft đi từ Thượng Hải (Trung Quốc) đến Vương quốc Anh tăng hơn 300% so với tuần trước. Giá cước vận chuyển bằng xe tải ở Trung Đông hiện đang được báo giá cao hơn gấp đôi.
Giám đốc điều hành của một công ty logistics cho biết, giá cước bị đẩy lên nhanh chóng do các hãng vận tải biển tìm cách bù đắp chi phí gia tăng do chuyển hướng tàu.
Nhiều tàu thương mại rời cảng ở Bờ Đông Mỹ đang hướng về mũi phía nam Châu Phi để tránh Kênh đào Suez
"Ở một số tuyến vận tải nhất định, giá cước vận chuyển tăng từ 100 - 300%. Điều này không hoàn toàn bị chi phối bởi những thay đổi về cung - cầu."
Tính đến sáng 21/12/2023, có tổng cộng 158 tàu hàng chuyển hướng khỏi Biển Đỏ. Các con tàu này vận chuyển tổng cộng 2,1 triệu container hàng hóa, với tổng giá trị 105 tỷ USD. Điều này kéo theo rủi ro tắc nghẽn dây chuyền cho toàn bộ chuỗi cung ứng do container trên các tàu hàng vốn được đã sắp xếp theo lộ trình ban đầu; đồng thời, hoạt động khai thác tàu cũng đã được lên lịch sẵn.
Trong khi các chủ hàng ở Mỹ có nhiều lựa chọn tuyến vận tải biển, thì các chủ hàng ở châu Âu lại không có lợi thế này. Việc định tuyến lại tàu hàng sang châu Âu có thời gian vận chuyển dài hơn sang Mỹ; do đó các chủ hàng châu Âu đang tìm đến hàng không để cứu vãn tình thế.
Việc đẩy mạnh vận chuyển bằng đường hàng không trong tuần này đã khiến giá cước tăng vọt hơn 13% kể từ khi các hãng vận tải biển thông báo định tuyến lại.
Khi thời gian vận tải kéo dài làm tăng chi phí vận chuyển hàng tồn kho và vốn lưu động thì chi phí sẽ cao hơn nếu muốn vận chuyển hàng hóa nhanh hơn.
Theo các CEO ngành logistics, sau một tháng nữa, áp lực lạm phát sẽ được thấy rõ và được phản ánh vào chuỗi cung ứng. Cuối cùng áp lực này sẽ được đẩy qua người tiêu dùng.
Phí vận chuyển cao hơn và sự chậm trễ trong việc giao hàng sẽ ảnh hưởng đến 47% đồ chơi, 40% thiết bị gia dụng và khoảng 40% hàng may mặc được vận chuyển giữa các nền kinh tế châu Á và phương Tây.
Nguồn cung cấp công nghiệp cũng có thể trở nên khó tiếp cận hơn. Việc định tuyến lại sẽ ảnh hưởng đến việc vận chuyển 24% hóa chất, 22% thép cán phẳng, 22% dây cách điện và pin cho ô tô.
Phó chủ tịch chuỗi cung ứng và chính sách hải quan của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ cho biết: "Những sự gián đoạn đang khiến thời gian vận chuyển của các nhà bán lẻ tăng thêm từ hai tuần trở lên, khiến giá cước tăng lên". Ông cảnh báo: "Khi chuỗi cung ứng bắt đầu bình thường hóa trở lại, áp lực gia tăng từ những chi phí bổ sung và sự chậm trễ này có thể gây ra tác động đáng kể".
Tham khảo: CNBC